Bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng túi nylon là điều bất cứ ai cũng có thể làm được, chỉ cần một hành động nhỏ như thay đổi thói quen dùng túi nylon tiết kiệm, hợp lý, tái sử dụng nhiều lần, chuyển sang dùng túi vải, túi giấy… cũng có thể làm cho môi trường giảm ô nhiễm. | Hệ thống siêu thị BigC hiện đã sử dụng hoàn toàn túi nylon tự hủy và túi thân thiện với môi trường. Ảnh Trung Hiếu. |
Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ngay từ khi bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường” đã xác định đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn không những trong việc bảo vệ môi trường Thủ đô mà còn phù hợp với định hướng chiến lược xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp.
Qua 5 năm thực hiện, chương trình đang tạo ra mô hình thương mại hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề xã hội, tăng cường nhận thức chung trong xã hội về vấn đề hạn chế sử dụng túi nylon mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho môi trường sống và cho chính cuộc sống của chúng ta, gây tổn hại sức khỏe và các loại bệnh khác.
Một trong những hoạt động của chương trình là giới thiệu việc sử dụng túi thân thiện với môi trường, phát miễn phí cho các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… phục vụ người tiêu dùng thay thế cho túi nylon. Mục đích của mô hình này không những giải quyết vấn đề môi trường mà còn tăng giá trị cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ tại Hà Nội.
Các siêu thị và trung tâm thương mại đã mạnh dạn hạch toán phần kinh phí túi thân thiện với môi trường và giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng vẫn có lãi, đáp ứng nhu cầu khách hàng và được khách hàng chấp nhận. Điều này có giá trị cho cả cộng đồng và xã hội.
Là đơn vị tiên phong của TP Hà Nội, Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) thực hiện việc thay thế sử dụng túi nylon bằng túi thân thiện với môi trường trên toàn bộ hệ thống trung tâm mua sắm, trên 40 siêu thị, 40 cửa hàng, điểm kinh doanh rau an toàn, 120 cửa hàng chuyên doanh và kinh doanh ăn uống…
Ông Trần Mạnh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết, đơn vị đã chủ động đặt vấn đề tài trợ túi thân thiện với môi trường để phát trên một số điểm chợ và siêu thị, phối hợp với Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội tuyên truyền về chương trình hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường với mục đích tuyên truyền, giáo dục tác hại về thói quen sử dụng túi nylon trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Chương trình được triển khai sâu rộng đến Hội phụ nữ TP Hà Nội, bà Nguyễn Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố nhận định, trong gia đình người phụ nữ vừa là người nội trợ chính chăm lo chất lượng bữa ăn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và nề nếp sinh hoạt hợp vệ sinh của gia đình, đồng thời là người có vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức của con em trong bảo vệ môi trường. Hưởng ứng chương trình hạn chế sử dụng túi nylon, trên địa bàn thành phố hiện đã xây dựng mô hình điểm CLB phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon được triển khai tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và huyện Gia Lâm, nhiều chi hội phụ nữ đã nhân rộng gấp túi giấy để hạn chế sử dụng túi nylon.
Trong 5 năm, chương trình đã thực hiện tuyên truyền tại các điểm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học tại 29 quận, huyện trên địa bàn thành phố với số lượng túi thân thiện với môi trường phát miễn phí khoảng gần 100 nghìn túi. Bên cạnh đó, chương trình còn vận động người dân ký cam kết không sử dụng túi nylon, triển khai chiến dịch thu gom túi thải loại và đổi lấy túi thân thiện vì môi trường.
Theo khảo sát năm 2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại các chợ, siêu thị, Trung tâm Thương mại, các hộ gia đình… cho thấy số người biết rõ về tác hại của túi nylon là 62%, mỗi ngày gia đình sử dụng từ 1 – 5 chiếc túi nylon là 52% và số người biết trực tiếp về chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon” là 43%. Đăc biệt, 100% người đồng ý sử dụng nếu có loại túi thân thiện với môi trường và có giá thành hợp lý.
Điều này cho thấy, đa số người dân đã có ý thức về tác hại của túi nylon với môi trường sống. Nhưng do sự tiện dụng và giá thành rẻ, hiện cũng chưa có sản phẩm thay thế một cách tối ưu nên người dân chỉ hạn chế được một phần. Lượng túi nylon sử dụng tại các siêu thị, Trung tâm thương mại cũng ít hơn tại các chợ nên cần có biện pháp và cơ chế để hạn chế dần sử dụng túi nylon tại khu vực này.
Thông điệp “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường” đang dần quen thuộc với người dân Thủ đô, nhiều người dân đã biết đến ý nghĩa của công tác tuyên truyền và tác hại của túi nylon, hình thức tuyên truyền cũng được một số địa phương trong cả nước đồng tình ủng hộ và nhân rộng.
Theo ông Phạm Văn Khánh, chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường” sẽ tiếp tục được mở rộng để phát triển thành phong trào rộng, trở thành thói quen và ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Túi nylon nằm trong lòng đất sẽ cản trở sự sinh trưởng của cây cỏ bởi nylon rất khó phân hủy, nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được.
Túi nylon lẫn vào đất cũng gây xói mòn đất đai, cản trở quá trình sinh trưởng của thực vật bị nó bao quanh; gây tàn phá hệ sinh thái khiến đất không giữ được dinh dưỡng; gây ngập úng lụt lội; tổn hại sức khỏe; ô nhiễm môi trường. Túi nylon đựng thực phẩm cũng có thể gây ung thư, biến đổi giới tính… |
Theo Chinhphu.vn
|